Tây Ninh triển khai giám sát an toàn thực phẩmcó nguồn gốc thực vật tại các chợ năm 2025
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tây Ninh đã ban hành kế hoạch tăng cường giám sát an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông sản có nguồn gốc thực vật trên địa bàn tỉnh trong năm 2025.
Kế hoạch này được triển khai nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm, giảm thiểu tình trạng tồn dư hóa chất và các chỉ tiêu nguy hại trong sản xuất, kinh doanh nông sản. Đồng thời, hoạt động giám sát cũng hướng đến mục tiêu đánh giá mức độ an toàn thực phẩm của các loại rau, củ, quả và các sản phẩm chế biến từ thực vật, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và ngăn chặn các sự cố an toàn thực phẩm.
Hình ảnh: công chức đang thực hiện lấy mẫu sầu riêng tại chợ Gò Dầu
Từ ngày 21/4/2025 đến ngày 24/4/2025, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tây Ninh đã tiến hành giám sát chất lượng an toàn thực phẩm tại các chợ, chợ đầu mối, cơ sở thu gom, phân phối và kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Các sản phẩm được giám sát bao gồm: rau, củ, quả tươi, nấm ăn, đậu các loại. Đoàn giám sát tập trung vào các nội dung như điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và lấy mẫu để phân tích các chỉ tiêu như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, độc tố vi nấm.
Qua đợt lấy mẫu giám sát ATTP, tỷ lệ mẫu đạt yêu cầu 36/36 mẫu (100%), có 02 mẫu phát hiện dư lượng Cadimi (Cd) nhưng không vượt giới hạn cho phép, do đó không cần phải xử lý, tuy nhiên cần theo dõi và kiểm soát chặt hơn trong các lần giám sát tiếp theo. Điều này cho thấy sản phẩm thực vật lưu thông trên địa bàn tỉnh cơ bản đảm bảo an toàn thực phẩm, đồng thời phản ánh công tác quản lý và nhận thức của các cơ sở kinh doanh đã có cải thiện tích cực.
Hoạt động giám sát có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật với các đơn vị liên quan như Phòng Nông nghiệp và Môi trường các huyện, thị xã, Phòng Tài nguyên và Môi trường Thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn.
Để tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm có nguồn gốc thực vật cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
- Đối với Sở Nông nghiệp và Môi trường: Tiếp tục quan tâm, bố trí kinh phí thường xuyên cho hoạt động giám sát ATTP. Tiếp tục tăng cường giám sát định kỳ, nhất là vào mùa cao điểm thu hoạch và tiêu thụ.
- Đối với các cơ sở kinh doanh: Nâng cao ý thức trong việc lựa chọn, thu mua sản phẩm nông sản an toàn, có nguồn gốc rõ ràng. Chủ động phối hợp với cơ quan chức năng trong việc giám sát, truy xuất nguồn gốc khi cần thiết.
- Đối với các địa phương: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tiểu thương, người tiêu dùng sử dụng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, hạn chế sản phẩm không đảm bảo ATTP. Khuyến khích người sản xuất áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp sạch (VietGAP, hữu cơ).
- Đối với Chi cục Trồng trọt và BVTV: Duy trì việc giám sát định kỳ, mở rộng thêm các chỉ tiêu phân tích đối với các sản phẩm có nguy cơ cao. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Giám sát chặt chẽ ATTP không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe người dân mà còn góp phần nâng cao thương hiệu nông sản an toàn của Tây Ninh, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu./.
CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH TÂY NINH
Tác giả: Bao ve thuc vat
Ý kiến bạn đọc