TẬP HUẤN QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG AN TOÀN THỰC PHẨM
Nhằm cập nhật, nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm, tinh thần trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm có nguồn gốc thực vật đối với sức khỏe của người tiêu dùng, ngày 11 tháng 4 năm 2025, Chi cục Trồng Trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tây Ninh tổ chức lớp tập huấn quản lý chất lượng an toàn thực phẩm năm 2025 dành cho đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc thực vật trên địa bàn tỉnh.
Lớp tập huấn được tổ chức tại Chi cục Trồng Trọt và Bảo vệ thực vật với sự tham gia của hơn 30 công chức tại Chi cục, phòng Nông nghiệp và Môi trường các huyện, thị xã, phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Tây Ninh và đại diện cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc thực vật tại các huyện, thị xã, thành phố. Thông qua lớp tập huấn, báo cáo viên Thạc sĩ Đặng Hoàng Dự - chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trình bày các nội dung, chuyên đề:
- Các văn bản pháp luật mới nhất về quản lý ATTP, bao gồm Thông tư số 17/2024/TT-BNNPTNT ngày 28 tháng 11 năm 2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về sửa đổi, bổ sung một số thông tư quy định thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và PTNT; các văn bản mới về phụ gia và ghi nhãn dinh dưỡng.
- Hướng dẫn thiết lập hồ sơ tự công bố và ghi nhãn thành phần; các quy định xử phạt liên quan đến tự công bố và ghi nhãn sản phẩm.
- Cách thẩm định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản.
- Cập nhật các yêu cầu mới của HACCP 2022 kiểm soát mối nguy; yêu cầu về kiểm soát thất thoát và lãng phí thực phẩm.
- Yêu cầu của Chuỗi thực phẩm toàn cầu: GFSI - FSSC - BRCGS - FDA/FSMA.
Lớp tập huấn được diễn ra sôi nổi với sự tích cực tham gia trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện tại cơ sở, trong quá trình công tác giữa học viên và báo cáo viên. Nội dung thảo luận chủ yếu xoay quanh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các điều kiện về đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh; những lỗi vi phạm chính thường mắc phải trong thời gian qua; khó khăn trong việc ghi nơi sản xuất trên nhãn thực phẩm trước tình hình sát nhập các tỉnh, thành phố hiện nay; những thắc mắc trong ghi nhãn dinh dưỡng, hồ sơ tự công bố và ghi nhãn thành phần,…
Thông qua lớp tập huấn, học viên đã được giải đáp thắc mắc, tháo gỡ nhiều khó khăn, góp phần xây dựng mạng lưới kết nối chuyên môn hiệu quả giữa các đơn vị quản lý an toàn thực phẩm tại các huyện, thị xã, thành phố; đồng thời giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc thực vật cập nhật, nắm vững các quy định, văn bản mới ban hành của nhà nước, góp phần đảm bảo, nâng cao an toàn thực phẩm tại địa phương.
PHÒNG HÀNH CHÍNH, TỔNG HỢP
CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TỈNH TÂY NINH
Tác giả: Bao ve thuc vat
Ý kiến bạn đọc